Vừa qua, tại Trường THCS Chu Văn An, thị trấn Ea Kar, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã tổ chức Hội nghị chuyên đề “Nâng cao chất lượng giáo dục THCS trong bối cảnh thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018”.
Quang cảnh Hội nghị
Ông Nguyễn Thanh Dương - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ea Kar, phát biểu tại Hội nghị
Đại biểu tham dự Hội nghị
Năm học 2024 - 2025, toàn huyện có 82 trường từ bậc Mầm non đến THPT và 01 Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên (GDNN-GDTX); 1.173 lớp với tổng số trên 38 000 học sinh. Trong đó, có 17 trường THCS, 01 Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS, 02 trường Tiểu học và THCS. Sau 4 năm triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với giáo dục bậc trung học cơ sở (THCS) trên địa bàn huyện, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản đáp ứng được yêu cầu về thực hiện Chương trình mới. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được tăng cường; nội dung, phương pháp dạy học và các hoạt động giáo dục được coi trọng, đổi mới; chất lượng giáo dục của các lớp học thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với Giáo dục THCS ổn định, tỷ lệ học sinh lên lớp thẳng đạt trên 99%. Mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh của Chương trình GDPT 2018 trên địa bàn huyện Ea Kar từng bước được khẳng định và ngày càng phát triển. Chất lượng giáo dục mũi nhọn, giáo dục đại trà được duy trì và phát triển, luôn nằm trong tốp dẫn đầu của tỉnh. Việc kiểm tra, đánh giá học sinh được thực hiện đúng, đảm bảo theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Về công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và dạy học đối với giáo dục THCS luôn được chú trọng chỉ đạo thực hiện tốt. Các Trường đã khai thác và sử dụng có hiệu quả nhiều phần mềm tiện ích như: Smart Scheduler; Smas; edu.vn…; cơ sở dữ liệu ngành; tuyển sinh; xét tốt nghiệp; quản lý văn bằng chứng chỉ; phần mềm phổ cập; Smart test soạn đề trắc nghiệm kiểm tra đánh giá; quản lý hồ sơ tổ khối và giáo viên trên hệ thống eDoc; 100% giáo viên soạn kế hoạch bài giảng, hồ sơ sổ sách bằng các phần mềm. Đặc biệt, các lớp học và phòng chức năng đã được trang bị màn hình LCD phục vụ cho công tác giảng dạy và quản lý…
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với giáo dục THCS hiện còn gặp một số khó khăn, tồn tại như: Việc đổi mới về nội dung, phương pháp, phương tiện, thiết bị và công tác kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học chưa được thực hiện đồng bộ triệt để; Công tác xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục ở một số trường còn thiếu tính khoa học, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn; khó khăn trong việc bố trí giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, Hoạt động trải nghiệm, Giáo dục địa phương; Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học một số trường chưa đáp ứng Chương trình GDPT 2018; một số giáo viên còn giảng dạy theo phương pháp cũ, chưa mạnh dạn đổi mới; học sinh còn thụ động trong việc lĩnh hội kiến thức và khả năng tự học, tự trang bị kiến thức trước khi đến lớp theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Chất lượng giáo dục mũi nhọn, Chất lượng giáo dục đại trà giữa các trường không đồng đều; một số đơn vị chưa có cơ chế động viên, khích lệ giáo viên ôn tập; Sở Giáo dục và Đào tạo chưa ban hành hướng dẫn cấu trúc đề thi học sinh giỏi lớp 9 khó cho giáo viên khi được giao nhiệm vụ ôn tập; việc xây dựng chương trình, nội dung, phương pháp bồi dưỡng học sinh giỏi chưa được đổi mới. Kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 còn thấp; Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS còn gặp khó khăn. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và dạy học chưa có tính đồng bộ, liên thông, kết nối dữ liệu; Đăng ký chữ ký số cho giáo viên còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí, thủ tục thực hiện; Việc triển khai học bạ điện tử còn chưa đồng bộ, gặp nhiều khó khăn khi thực hiện…
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Dương - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện mong muốn, Hội nghị chuyên đề lần này sẽ giúp đẩy mạnh hoạt động sinh hoạt chuyên môn, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ và rõ nét về chất lượng, hiệu quả công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên các nhà trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục; tạo cơ hội giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong công tác quản lý, giảng dạy cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp THCS trong toàn huyện, góp phần thúc đẩy đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học của các nhà trường. Đồng thời thống nhất, định hướng được các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Qua đó phát triển năng lực và phẩm chất của người học. Mở rộng tầm nhìn, đem lại cảm hứng và nguồn thông tin phong phú giúp các nhà trường đẩy mạnh các hoạt động dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục. Đặc biệt, với sự chia sẻ về kinh nghiệm, sự giao lưu về ý tưởng, sự hợp tác giữa cán bộ quản lý, giáo viên của các trường sẽ có tác động tích cực đến việc đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay.
Với sự chủ động, tích cực xây dựng các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Ea Kar ngay từ những ngày đầu năm học, tin tưởng rằng giáo dục Ea Kar sẽ tiếp tục gặt hái được những thành công trong năm học 2024 - 2025 và những năm tiếp theo./.