Hội thảo tham vấn Kế hoạch bảo tồn rùa Trung Bộ tại khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô.
Ngày 20/12/2024, Ban quản lý khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ea Sô phối hợp với Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á thuộc Tổ chức IndoMyanmar Conservation (IMC) tổ chức Hội thảo tham vấn, để lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn về Kế hoạch bảo tồn, tái thả và giám sát sau tái thả loài rùa Trung Bộ tại khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô.
Quang cảnh Hội thảo
Ông Lê Đắc Ý - Phó Giám đốc Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô phát biểu tại Hội thảo
Ông Lê Đình Chiến - Phó chủ tịch UBND huyện EaKar; các vị đại diện Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn Lâm Khoa học Việt Nam; Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (BCA); Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk và Trung tâm cứu hộ Động vật hoang dã Hà Nội đã có mặt dự Chương trình Hội thảo.
Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á thuộc Tổ chức IndoMyanmar Conservation đã thực hiện nghiên cứu về loài rùa Trung Bộ tại khu BTTN Ea Sô từ năm 2021. Qua thời gian làm việc, điều tra, khảo sát thông tin và và thu thập mẫu tại một số sinh cảnh thuộc lâm phần Khu BTTN Ea Sô quản lý cho thấy có sự phân bố của loài Rùa Trung Bộ (Mauremys annamensis). Rùa Trung Bộ là một loài đặc hữu hẹp, phân bố tại các vùng đất thấp ở miền Trung Việt Nam từ thành phố Đà Nẵng tới vùng giáp ranh hai tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk. Đây là loài được xếp hạng Rất nguy cấp (CR) trong Sách đỏ Việt Nam, nằm trong nhóm 1B theo Nghị định 06/2019 và được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 84/2021 của Chính phủ. Loài rùa đặc hữu này cũng được ưu tiên bảo tồn trong Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến năm 2025 theo Quyết định 1176/QĐ-TTg ngày 12/9/2019 của Chính phủ.
Ông Lê Đình Chiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar phát biểu tại Hội thảo
Đại diện các cơ quan chuyên môn báo cáo hoạt động và tham luận tại Hội thảo
Tại Hội thảo, sau khi nghe đại diện cán bộ chuyên môn của Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á thuộc Tổ chức IndoMyanmar Conservation và Ban quản lý khu BTTN Ea Sô báo cáo các kết quả nghiên cứu tình trạng loài rùa Trung bộ, các thông tin sơ bộ về rùa Trung Bộ tại Ea Sô; việc hợp tác cứu hộ, bảo tồn loài rùa Trung Bộ tại Việt Nam nói chung và tại khu BTTN Ea Sô nói riêng, đồng thời xây dựng kế hoạch bảo tồn và kế hoạch tái thả, giám sát sau thái thả rùa Trung Bộ tại KBTTN Ea Sô trong thời gian tới… Các đại biểu tham dự Hội thảo đã phát biểu bày tỏ quan điểm ủng hộ việc bảo tồn, tái thả và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ trong việc giám sát, bảo vệ sau tái thả, xây dựng, phát triển khu vực cứu hộ, chăm sóc và nhân giống loài rùa trung bộ tại khu BTTN Ea Sô. Đề nghị Ban quản lý khu BTTN Ea Sô và Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á cần phối hợp với các cơ quan chức năng chuyên môn, nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật để xây dựng chi tiết kế hoạch triển khai thực hiện, để chương trình đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo tồn và đa dạng loài tại khu sinh thái Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô.
Cũng trong ngày làm việc, đại biểu tham dự Hội thảo đã đi thực địa khảo sát một số địa điểm dự kiến tái thả loài Rùa Trung Bộ tại khu BTTN Ea Sô./.