Phát triển sản xuất nông nghiệp để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới
Thời gian qua, xã Xuân Phú huyện Ea Kar là “thủ phủ trồng hồ tiêu” trên địa bàn huyện, tuy nhiên do ảnh hưởng của thị trường khi sản phẩm chủ lực bị rớt giá đã ảnh hưởng đến thu nhập người dân. Do đó người nông dân đã nghiên cứu tìm kiếm các sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường để đầu tư phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, trong đó xác định một số hướng đi mới như trồng nấm, nuôi yến, nuôi tằm..
Theo số liệu thống kê, xã Xuân Phú, huyện Ea Kar có khoảng 30 hộ trồng dâu với diện tích 30 ha, tập trung chủ yếu tập ở thôn Hạ Điền và Thanh Phong. Hiện người dân đang triển khai thực hiện mô hình trồng dâu nuôi tằm theo kỹ thuật và giống mới nên bước đầu đã đạt được tín hiệu khả quan, hiệu quả kinh tế được đánh giá cao gấp hai đến ba lần so với các loại cây trồng truyền thống, từng bước giúp nông dân có cuộc sống ổn định hơn.
Một số hình ảnh tại Hộ gia đình ông: Hoàng Văn Binh
Tới thăm Hộ ông Hoàng Văn Binh, Thôn Thanh Phong, Xã Xuân Phú là một trong 30 hộ trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn xã, với việc nuôi 2 thùng giống tằm (mỗi thùng giống giá 600 nghìn đồng), mỗi tháng thu hoạch 2 lứa kén, giá kén dao động từ 140.000 đồng - 150.000 đồng/kg, bán cho Công ty thu mua ở Lâm Đồng, ông Binh thu lãi khoảng 15 triệu đồng/tháng sau khi trừ chi phí..
Theo Ông Binh cho biết, nghề trồng dâu nuôi tằm tuy vất vả hơn nhưng nếu có kỹ thuật tốt thu nhập sẽ cao hơn. Sau khi nhập tằm giống về phải cho ra nong đã được khử trùng bằng vôi bột, đây cũng là cách phòng bệnh cho tằm. Thời gian này, tằm còn nhỏ nên lá dâu được thái thành sợi trước khi cho tằm ăn. Nhà nuôi tằm phải đảm bảo nhiệt độ thích hợp, nuôi ở nơi có cửa sổ và cửa ra vào để không khí lưu thông, đồng thời tránh ruồi, nhặng, côn trùng bay vào, khi cho tằm ăn nên chú ý lượng lá dâu vừa đủ. Với diện tích trồng dâu là 2 ha, hộ gia đình ông Binh còn bán giống dâu với giá 400.000 đồng/tạ cho các hộ nông dân trong và ngoài xã. Mong muốn của ông Binh và các hộ trồng dâu là được Nhà nước hỗ trợ thành lập tổ hợp tác, liên kết sản xuất để có thị trường đầu ra, đồng thời có nhiều chương trình hỗ trợ để phát triển sản xuất bền vững trên địa bàn xã.
Từ thực tế cho thấy, bước đầu người dân trồng dâu nuôi tằm đã có hiệu quả, góp phần tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã. Tuy nhiên, để tránh tình trạng “được mùa mất giá” thì người dân không nên phát triển ồ ạt, cần tìm hiểu kỹ trước khi nhân rộng. Trong thời gian tới ngành nông nghiệp Ea Kar cần phối hợp cùng địa phương định hướng, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc dâu, nuôi tằm, tìm đầu ra ổn định, giúp người dân yên tâm sản xuất./.