Thứ hai, ngày 14 tháng 07 năm 2025
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Trong tháng:

Tất cả:

Bình Chọn
Đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ tiếp nhận hồ sơ ?
Cập nhật lúc: 15/06/2023

Người trồng chanh dây ở huyện Ea Kar lao đao vì giá “lao dốc không phanh”

Vài năm trở lại đây, giá chanh dây tăng cao khiến nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói chung, huyện Ea Kar nói riêng đổ xô trồng. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, giá chanh dây bất ngờ “lao dốc không phanh” khiến người trồng lao đao vì lỗ nặng.

Gia đình ông Hồ Đình Hải - buôn  Erớt xã CưElang, huyện Ea Kar bắt đầu trồng 1 ha chanh dây từ năm 2019, thấy được giá lại cho thu nhập ổn định, nên trong 3 năm liên tiếp ông đã đầu tư, trồng thêm 3 ha chanh dây, giá thời điểm đó thương lái thua mua từ 15 đến 20.000 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi năm gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên sau đợt nghỉ Lễ 30/4 và 1/5, đến nay giá chanh dây rớt thê thảm, chỉ còn khoảng 3.000 đến 4.000 đồng/kg. Ông Hải ngậm ngùi: “Trung bình một ha chanh dây, chi phí đầu tư giống, phân bón, công tưới tiêu, chăm bón hết khoảng 150 triệu đồng. Nếu tiếp tục bán với giá này thì người trồng chỉ có lỗ”.

120_20230514192723

213_20230514192648Những vườn Chanh dây sắp thu của bà con nông dân ở huyện Ea Kar

Cùng cảnh ngộ như ông Hải, gia đình chị Đỗ Thị Huyền – buôn Ea Rớt xã CưElang cũng trồng trên 2ha chanh dây. Đang đợt rộ mùa nên trung bình mỗi tuần gia đình chị hái hai lần khoảng 4 đến 5 tấn nhưng chỉ bán được với giá từ 3.000 đến 4.000 đồng/kg. Trong khi đó, đang thời điểm cuối mùa khô nên gia đình chị phải tưới nước thường xuyên cho vườn chanh dây. Giá điện sản xuất hiện nay lại tăng lên, ước tính tiêu tốn hàng triệu đồng/lần bơm nước tưới. Chị Huyền than thở: “Chưa kể chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thì với giá cả như thế này, chanh dây thu hái may ra chỉ đủ bù vào tiền điện tưới nước và tiền thuê nhân công thu hoạch. Không hái thì quả rụng đầy gốc, gia đình tôi như đang “ngồi trên đống lửa” vì bỏ ra một khoản lớn chi phí sản xuất mà chưa thu hồi được bao nhiêu”.

Không chỉ riêng ở xã CưElang mà nhiều hộ dân trồng chanh dây ở huyện Ea Kar cũng đứng ngồi không yên khi chanh dây đã chín rộ nhưng giá cả lại xuống thấp. Theo ông Trần Văn Đông, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ea Kar, hiện nay, diện tích chanh dây tại địa phương đã vượt nhiều lần so với quy hoạch. Mặc dù người dân đã được khuyến cáo thận trọng khi mở rộng diện tích trồng, tuy nhiên, cuối năm 2022 và đầu năm 2023, chanh dây “đội giá” lên tới 20.000 – 30.000 đồng/kg khiến nhiều nông hộ vì lợi nhuận trước mắt đua nhau mở rộng diện tích, thậm chí phá bỏ các loại cây lâu năm để trồng. Cùng với phát triển nóng diện tích, hiện nay việc sản xuất chanh dây còn thiếu gắn kết với các cơ sở chế biến, tiêu thụ. Do đó, khi trồng mới ồ ạt, không kiểm soát, đến đợt thu đại trà, số lượng cung vượt cầu khiến giá cả “lao dốc”

Mặc dù có tăng về diện tích nhưng vùng sản xuất chanh dây vẫn manh mún, nhỏ lẻ, không tập trung. Đa phần diện tích trồng chanh dây còn ở quy mô nông hộ, chưa hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi bền vững, chưa có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Ngoài ra, chanh dây chủ yếu được trồng xen trong các vườn cây nên khó khăn trong đầu tư cũng như việc quản lý chất lượng và tiêu thụ sản phẩm. Do đó, người dân nên lưu ý các khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, không nên vì lợi nhuận trước mắt mà tự ý trồng, ồ ạt mở rộng diện tích, tránh tình trạng cung vượt cầu./. 

Xuân Tạo
In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang